Tự học đầu tư chứng khoán như thế nào?
Không phải vì tôi bán một khóa học chứng khoán mà tôi khuyên các bạn nên đăng ký học.
Giống như thầy tôi - một người ẩn danh - tôi là người thiết tha với việc đào tạo.
Thực tế, tôi là một nhà đầu tư cá nhân độc lập: không môi giới nhận hoa hồng giao dịch, không có tài khoản copytrade, không đại diện cho tổ chức nào
Và số tiền tôi kiếm được qua chứng khoán hầu hết là từ những giao dịch.
Tôi không nói mình giỏi, vì khi bạn thấy mình đứng trên đỉnh, nhiều khả năng bạn phải xuống dốc trước khi bắt đầu một đỉnh núi tiếp theo
Tôi chọn một đỉnh rất cao, leo mãi không tới đỉnh, nhưng mỗi ngày tôi cao hơn một chút.
Tôi chưa tham gia một lớp học chứng khoán chuyên sâu nào cả. 60% kiến thức tôi thu lượm qua sách, 40% qua internet. Để có kinh nghiệm, 50% tôi giao dịch thử nghiệm (trả học phí cho sai lầm bằng số tiền nhỏ) và 50% suy ngẫm cho câu hỏi: Điều gì hiệu quả? Điều gì không? Điều gì cần cải thiện?
Có những người tự hào nói rằng họ có 5~10 năm kinh nghiệm trên thị trường. Chưa chắc. Có khi đó là 1 năm kinh nghiệm được lặp lại 5~10 lần.
Tôi có hơn 2 năm kinh nghiệm tồn tại trên thị trường chứng khoán. Không có sự lặp lại. Vì tôi liên tục suy ngẫm, nghiên cứu, thử nghiệm những nội dung mới.
Tháng 11/2021, tôi mở khóa học TAB K1. Tháng 12 là TAB K2. Tháng 1/2022 tới đây là TAB K3. Hãy hỏi học viên của tôi, họ sẽ nói với bạn rằng nội dung được update liên tục, dù mỗi khóa học chỉ cách nhau 1 tháng.
Tôi mở đầu dài dòng như vậy, để các bạn thấy được:
Chìa khóa đầu tiên cho cánh cửa tinh thông đó là không ngừng học hỏi.
Bây giờ tôi sẽ bắt đầu kể lại hành trình tìm hiểu chứng khoán của mình, dành cho các bạn mới (newbie) muốn tự học:
Từ Forex đến Chứng khoán
2016, tôi biết về cái gọi là "đầu tư chứng khoán". Tôi nhìn thấy những cuốn sách như "Quy tắc số 1" của Phil Town, "Nhà đầu tư thông minh" của Benjamin Graham, "Cổ phiếu thường lợi nhuận phi thường" của Philip Fisher .. tôi liền mua về đọc. Sách nói về những thuật ngữ như: chỉ số Dow Jones, tăng điểm, giảm điểm, phố Wall, ....
Tôi chẳng hiểu gì cả !
Trên tivi có bản tin tài chính kinh doanh, những âm thanh vào tai tôi kiểu như chó nghe thời sự.
Và tôi biết đến Warren Buffett, ai rồi cũng sẽ biết thôi, bởi nói đến chứng khoán là nói đến huyền thoại này. Tôi hiểu lơ mơ qua những triết lý của ông, rằng, đầu tư chứng khoán là tìm một công ty tốt đang có giá rẻ, mua cổ phiếu công ty đó thì gọi là đầu tư giá trị.
Nhưng chỉ đến thế thôi !
Sau đó tôi bị cuốn vào Forex. Giao dịch hợp đồng CFD luôn là thứ thu hút người mới, bởi chúng có cảm giác phấn khích và phiêu lưu, nhìn vào màn hình đồ thị nhiều màu sắc bắt mắt và đặt lệnh mua bán như một chuyên gia thực thụ. Tôi muốn thấy kết quả nhanh, kiếm tiền nhanh và lờ đi tất cả những rủi ro tiềm ẩn. Tôi vẫn nhớ lần đầu đặt lệnh trên tài khoản real, bàn tay cầm chuột của tôi run run, và cứ vài phút lại nhìn vào lãi/lỗ tạm thời liên tục nhảy số.
"CFD chủ yếu hướng tới các nhà giao dịch mới và thiếu kinh nghiệm, tán dương lợi nhuận tiềm năng trong khi lờ đi rủi ro. Cơ quan hoạch định chính sách thị trường tài chính của Úc - ASIC - xem giao dịch CFD còn rủi ro hơn cả cá cược đua ngựa hoặc đánh bạc trong casino" - Alexander Elder, The new trading for a living
Tôi thử nghiệm nhiều chiến lược bằng cách kết hợp các indicator: MA, Bolinger bands, ADX, RSI, Stochastic, Parabolic SAR ... Chán kết hợp các chỉ báo, tôi lại tìm những cách không sử dụng hoặc hạn chế indicator như: Ichimoku, Bollinger bands đôi, Price action, pin bar ... Nhưng tôi mù tịt trong việc tìm kiếm phương pháp. Tôi thử nghiệm vô số hệ thống của Kathy Lien, hệ thống trên cộng đồng traderviet.
Tôi không tìm thấy thứ mình muốn tìm, nên bỏ ngang Forex
2019, có nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi bắt đầu tìm hiểu về thị trường chứng khoán.
Điều đầu tiên tôi quan tâm là có các phương pháp/hệ thống nào dễ hiểu, hiệu quả. Vì từng có nền tảng ở Forex, tôi nghĩ không quá khó khăn khi tôi lấn sang một sân chơi tương tự.
Tháng đầu tiên, tôi mua hầu hết sách về chứng khoán, cổ phiếu được dịch ra tiếng việt của Peter Lynch, Benjamin Graham, Nicolas Darvas, Philip A. Fisher, các sách viết về Warren Buffett ... và đọc toàn bộ. Hầu hết chỉ có nguyên lý nền tảng, góc nhìn, kinh nghiệm, còn cụ thể nên lựa chọn phân tích cổ phiếu thế nào, định giá ra sao thì những cuốn này không đề cập.
Sau đó tôi có đọc 3 cuốn sách khá đơn giản, rõ ràng:
- Làm giàu qua chứng khoán (How to make money in stocks) của William J. O'Neil. Ông nói về hệ thống CANSLIM cùng chiến lược đầu tư cổ phiếu theo đà tăng trưởng
- Quy tắc số 1 (Rule #1) của Phil Town, bản cập nhật là cuốn "Ngày đòi nợ" (Pay back time) hướng dẫn tìm, phân tích, định giá cổ phiếu giá trị bằng phương pháp 4M
- Tôi đã kiếm 2,000,000 đô-la từ thị trường chứng khoán như thế nào (How I made $2,000,000 in the stock market) của Nicolas Darvas cùng nguyên lý chiếc hộp (Darvas box) dành cho cổ phiếu tăng trưởng.
Tôi đọc và đầu tư thử nghiệm bằng lý thuyết trong 3 cuốn sách này, mỗi mã đâu đó chỉ 1~2 triệu. Lúc đó sàn HOSE và UPCOM vẫn quy định lô tối thiểu 10 cổ phiếu.
Từ lý thuyết đến thực hành
Cái tôi vấp phải trong quá trình tìm hiểu không phải lý thuyết, mà là thực hành.
Tôi hiểu hệ thống. Tôi biết phương pháp. Nhưng lấy con số ở đâu trong các báo cáo để cho vào công thức thì khá rắc rối. Nguồn dữ liệu trong sách là của nước ngoài, trong khi Việt Nam lấy dữ liệu ở các trang web khác: cafef, stockbiz ...
Rồi trong báo cáo tài chính, đôi khi các số liệu có sự sai biệt, hoặc thiếu số liệu, rồi lấy con số ở dòng nào cột nào khá mệt não. Cũng bởi tôi không có chuyên ngành kế toán, và thú thực suýt nữa tôi đã định theo một khóa đọc hiểu báo cáo tài chính.
Các video trên mạng nói về những phương pháp này tôi cũng xem rồi. Người dạy không nói rõ ràng, họ chỉ nói lại kiến thức từ sách ra, cá biệt một số còn định giá cổ phiếu sai lý thuyết trong sách (Nếu bạn tự học qua video nên chú ý!)
Sau một thời gian tự mò mẫm, hỏi người nọ người kia khá lâu, tôi cũng biết phải lấy số liệu ở đâu, xử lý các con số như thế nào, tôi còn tự làm thủ công rất nhiều bảng excel tiện dụng để theo dõi các mã cổ phiếu quan tâm cùng các công thức tính toán.
08/2019, tôi mua cổ phiếu đầu tiên theo trường phái đầu tư giá trị.
Tôi bắt đầu với phương pháp 4M. Vì một số lý do, nó không hiệu quả (với tôi). Tôi thua lỗ 4 giao dịch đầu tiên. Mất phương hướng.
Tôi bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho việc suy ngẫm xem điều gì hiệu quả. Tôi bắt đầu từ những nền tảng chắc chắn đúng, sau đó lập luận logic để suy ra những điều tiếp theo, và dùng xác suất để chọn những giả định phần lớn khả năng là hợp lý. Thật khó để giải thích đoạn này, nó liên quan đến năng lực tư duy hơn. Tôi chỉ biết mình dùng nó để tạo ra phương pháp cá nhân TAB.
Tôi thử nghiệm TAB và có những kết quả khả quan từ cuối 2019 đến nay. Tôi cũng liên tục cải thiện hệ thống bằng việc rút kinh nghiệm qua từng giao dịch. Tôi đang viết những dòng này vào ngày 24/12/2021, và bạn biết lần gần đây nhất tôi nâng cấp cho hệ thống của mình là ngày bao nhiêu không? 23/12/2021
Để bạn thấy, tôi không ngừng nghiên cứu và hoàn thiện.
11/2020, tôi mang TAB ra thử nghiệm thị trường Mỹ.
2021, tôi bắt đầu để ý cái gọi là "thị trường". Trước đây, tôi mua cổ phiếu và không quan tâm những chỉ số. Tôi thấy thị trường đang tăng, và tôi học thêm về đầu tư tăng trưởng.
Sau đó, tôi nhận ra chứng khoán không chỉ là cổ phiếu. Nó còn là trái phiếu, quỹ mở, quỹ ETF, giao dịch phái sinh .. Tôi tiếp tục học hỏi để tìm chiến lược cho từng loại hình chứng khoán.
Từ người học đến người hướng dẫn
Bạn sẽ nhớ 90% những gì bạn học bằng cách truyền đạt lại thứ bạn biết cho người khác. Đó là nội dung mô hình tháp ghi nhớ trong học tập
Vì thế, tháng 02/2021, tôi lập kênh Youtube cá nhân. Mục đích không phải để kiếm tiền quảng cáo hay làm thương hiệu. (Bạn có thể thấy lượt subscribe và lượng view dở tệ!)
Trên kênh, nội dung tôi muốn truyền đạt lại là những điều căn bản nhất về chứng khoán cho người mới. Cũng như tôi ban đầu, newbie cần có một lối tư duy đúng đắn để thấy chứng khoán không hề đơn giản như các bên môi giới đang dụ dỗ bạn mở tài khoản, nhưng cũng không quá phức tạp như các chuyên gia kinh tế cảnh báo.
Tháng 10/2021, tôi mở khóa học đầu tư chứng khoán TAB K1. Mô hình tôi mong muốn tối đa là 4 học viên/khóa. Theo người Do Thái, đó là cách học tập hiệu quả. Học viên sau khi học xong 3 buổi lý thuyết online (kéo dài 6 tiếng) sẽ tiếp tục join vào nhóm riêng để cùng trao đổi và nhận support trong 1 năm tới. Tôi kỳ vọng sau 1 năm họ có thể đứng vững trên đôi chân của mình, trở thành những nhà đầu tư độc lập và chủ động ra các quyết định giao dịch đúng đắn.
Từ người mới (F0) đến người có chút kinh nghiệm
Sau đây tôi sẽ tổng hợp quy trình step-by-step cho các bạn mới muốn tự học:
Bước 1: Tích lũy kiến thức nền
Với tài liệu đọc, có một nguồn kiến thức uy tín, bài bản, có lộ trình rõ ràng là Go Value . Các bài viết của họ, tôi đánh giá nội dung chất lượng, rõ ràng, chuyên sâu.
Vói tài liệu nghe, bạn có thể vào kênh Youtube của tôi.
Tôi có những video hướng dẫn dành cho bạn từ chính kinh nghiệm của mình:
https://www.youtube.com/watch?v=gymYCWwOP98&list=PLBq7MV_tn3-fy6f4cgYrO6rKaSEJvhTkx
Bước 2: Đọc sách
Bạn nên tìm mua và đọc các sách chứng khoán căn bản. Hãy bắt đầu bằng cuốn "Làm giàu từ chứng khoán" với phương pháp CANSLIM thuộc trường phái đầu tư tăng trưởng.
Tại sao lại như vậy?
CANSLIM là hệ thống rõ ràng và hoàn chỉnh nhất tôi biết. Nó tập trung vào những cổ phiếu mạnh nhất, xếp top trong những nhóm ngành mạnh nhất, mua vào lúc thị trường uptrend (thời điểm 3/4 số lượng cổ phiếu trên thị trường đều tăng theo đà chung).
Bạn sẽ học được cách chọn những giao dịch có xác suất thắng cao nhất, với tỷ lệ lợi nhuận rủi ro lên tới 3:1
Bạn sẽ thấy cổ phiếu xanh, thậm chí tím kịch trần ngay sau khi mua
Và nếu bạn sai, hoặc nếu thị trường chống lại giao dịch, bạn sẽ học được cách cắt lỗ nhanh chóng/dứt khoát.
Bước 3: Thực hành. Trải nghiệm.
Hãy mua những cổ phiếu đầu tiên với một số tiền nhỏ. Trên tài khoản thực.
Tôi không tin vào những giao dịch trên tài khoản thử nghiệm (demo). Khoản lãi/lỗ thực sự mới kích thích cảm xúc bên trong bạn.
Đặt mục tiêu cho năm đầu là tồn tại trên thị trường với lợi nhuận 0%.
Nguyên tắc thứ nhất là không thua lỗ. Đó là kỳ vọng hợp lý, thay vì việc cố gắng làm giàu sau một đêm hay nhân 2 nhân 5 tài khoản.
Bước 4: Liên tục nghiên cứu, học hỏi.
Tôi vừa gợi ý cuốn sách 1. Vậy cuốn sách thứ 2 nên đọc?
Nói thật với bạn, tôi không biết.
Tôi sẽ cho bạn thấy những gì tôi đã đọc:
Số sách tôi đọc 2 năm qua nếu xếp chồng lên nhau có chiều cao cỡ 60 cm
Ước lượng 11 nghìn trang. Với tốc độ đọc trung bình 4 trang/phút thì bạn cần khoảng 46 giờ để đọc hết toàn bộ chỗ này.
Đây là các cuốn sách tôi mua gần đây nhất (12/2021):
Không phải cuốn sách nào cũng hoàn hảo về mặt nội dung. Đọc sách là quá trình gạn đục khơi trong, đãi cát tìm vàng.
Có những cuốn cung cấp cho tôi vài ý tưởng giao dịch. Hoặc cách sử dụng một công cụ chỉ báo (indicator). Hoặc quản lý vốn. Hoặc tâm lý đầu tư. Hoặc một từ khóa cho chủ đề mới cần tìm hiểu.
Hoặc không gì cả.
Tôi cập nhật liên tục 2~3 tháng/lần các đầu sách mới và đọc tất cả chúng. Trung bình mỗi tháng tôi đọc thêm 4 cuốn sách mới ra về chủ đề chứng khoán.
90% việc nghiên cứu của tôi qua sách. Sau đó tôi ghi nhanh vào Google note các ý tưởng để thử nghiệm hàng đêm.
Hy vọng rằng với gợi ý 4 bước vừa rồi sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong quá trình tự học.
Còn khóa học của tôi giống như một dạng đòn bẩy. Bạn sẽ tổng hợp được nhiều thứ nhất trong thời gian ngắn nhất với ít nỗ lực nhất. Nếu bạn muốn đăng ký, phần dưới đây là nội dung khóa học.
Chúc các bạn đầu tư thành công!